Huyện Tu Mơ Rông phát huy hiệu quả từ mô hình phát triển cây dược liệu gắn với quản lý, bảo vệ rừng

Tu Mơ Rông là một huyện nghèo của tỉnh Kon Tum với diện tích tự nhiên là 85.769,1 ha, tuy vậy Tu Mơ Rông lại được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú và đa dạng với 57.384,8 ha rừng (độ che phủ đạt 67%), cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời, là nơi có nhiều loại dược liệu quý hiếm như: Đương Quy, Sa Nhân, Ngũ Vị Tử, Sơn Tra, Hồng Đẳng Sâm (Sâm dây), Lan Kim Tuyến, đặc biệt là Loài Sâm Ngọc Linh quý hiếm, được mệnh danh thần dược của dãy Ngọc Linh hùng vĩ và bí ẩn
Huyện Tu Mơ Rông phát huy hiệu quả từ mô hình phát triển cây dược liệu gắn với quản lý, bảo vệ rừng
Sâm Ngọc Linh được người dân xã Ngọc Lây trồng dưới tán rừng.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tu Mơ Rông luôn trăn trở về việc nghiên cứu và phát triển một mô hình phát triển kinh tế dựa trên cơ sở phát huy những tiềm lực sẵn có của địa phương, để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân huyện Tu Mơ Rông từ chỗ thoát nghèo đến vươn lên làm giàu, nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, kết hợp với nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. Từ đó, mô hình kinh tế phát triển các loài cây dược liệu gắn với quản lý, bảo vệ rừng được ra đời, đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực.

Cùng với các chương trình giao đất, giao rừng để quản lý bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, như các chương trình: 30A, 304, 178, Phương án tổng quan…, các hộ gia đình đã tận dụng các diện tích dưới tán rừng, diện tích đất trống được giao để trồng các loài cây dược liệu, vừa giúp bảo vệ rừng vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Huyện Tu Mơ Rông cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án, thu hút nhiều đơn vị, tổ chức để giao rừng, cho thuê rừng với mục đích để quản lý bảo vệ kết hợp trồng, phát triển các loài cây dược liệu, đặc biệt là các loài cây dược liệu dưới tán rừng, nhất là loài Sâm Ngọc Linh, có thể kể tên các đơn vị, tổ chức như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Trung tâm ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp Khoa học –  Công nghệ (Bộ Khoa học – Công nghệ), Công ty TNHH Thái Hòa… đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đổi mới nhận thức của người dân địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Với nguồn thu đem lại từ cây dược liệu, cuộc sống người dân giảm phụ thuộc vào các hoạt động sản xuất nương rẫy truyền thống có năng suất và hiệu quả thấp; giảm sự phụ thuộc vào rừng và đất rừng. Người dân dần nhận thức rõ rằng có giữ được rừng, bảo vệ được rừng mới bảo vệ được nguồn gen các loài dược liệu quý giá, mới giữ được môi trường sống của các loài thực vực quý hiếm bản địa. Ngoài ra, bảo vệ, phát triển  rừng giúp người dân có thêm thu nhập từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm.

Một cán bộ Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông cho biết: “huyện Tu Mơ Rông có rất nhiều loài cây dược liệu có giá trị kinh tế. Trước đây, người dân chỉ biết đơn thuần lên rừng khai thác để bán cho các thương lái, gây ảnh hưởng phức tạp đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngày nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và triển khai tốt các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, người dân đã biết đem giống các loài cây về trồng tập trung trên diện tích được giao, hoặc trồng tập trung tại nương rẫy, vườn nhà vừa ổn định, hiệu quả và giảm thiểu tác động đến tài nguyên rừng. Bây giờ, bất cứ đối tượng lạ mặt nào xâm phạm vào các diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ và trồng cây dược liệu đều được bà con nhân dân cảnh giác, phát hiện và báo cáo kịp thời với lực lượng chức năng”.

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình dự án và do các doanh nghiệp đầu tư trồng, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được vùng dược liệu với hàng trăm hecta cây Sâm Ngọc Linh, 43ha hồng đẳng sâm, 5ha sâm đương quy (dự kiến sẽ trồng 50ha vào năm 2020)… Nhiều doanh nghiệp cũng cam kết sẽ hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nhân dân.

 

Một góc vườn trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng

Với mô hình phát triển cây dược liệu, kết hợp với quản lý bảo vệ rừng mà huyện Tu Mơ Rông đang chọn, tin rằng trong một tương lai không xa, Tu Mơ Rông sẽ thoát nghèo để vươn lên làm giàu bằng chính tiềm lực sẵn có của mình do thiên nhiên đã ưu ái, mà vẫn quản lý, bảo vệ tốt được diện tích rừng hiện có, giữ vững màu xanh cho thế hệ tương lai./

 

Leave Comments

Scroll
02603 863234
0789411627