Sâm Ngọc Linh

SÂM NGỌC LINH
Panax Vietnamensis Ha et Grushv.
Họ Ngũ gia bì (Araliaceae)

Sâm Ngọc Linh là loài Nhân Sâm duy nhất trên thế giới mọc được ở vùng khí hậu nhiệt đới (tất cả các loài Nhân sâm trên thế giới đều mọc ở vùng khí hậu ôn đới, từ vĩ độ 22 trở lên). Sâm Ngọc Linh dùng được cho người tăng huyết áp, ngoài tác dụng bổ dưỡng như Nhân sâm Triều Tiên, Sâm Ngọc Linh còn có tác dụng kháng khuẩn, giải độc cao, chống stress tâm lý.

(Sâm Ngọc Linh tại vườn ươm của Công ty Thái Hòa, Kon Tum)

Tên khoa học: Panax Vietnamensis Ha et Grushv, họ Ngũ gia bì (Araliaceae)

Tên khác: Sâm Việt Nam – Sâm khu 5 – Cây thuốc dấu.

Bộ phận dùng: Rễ và thân – rễ (củ) đã chế biến khô của cây nhân sâm Việt Nam (Radix et Rhizoma Panacis Vietnamemensis).

Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, cao 40 – 100 cm. Thân – rễ mọc bò ngang như củ hoàng tinh đường kính từ 1-2 cm, dài 5-40 cm, có nhiều đốt mang những vết sẹo do thân khí sinh rụng hàng năm để lại, thân – rễ có nhiều rễ phụ. Thân khí sinh thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, nhỏ, đường kính thân độ 4-8 mm, thường tàn lụi hàng năm, thỉnh thoảng cũng tồn tại một vài thân trong vài năm. Lá kép hình chân vịt mọc vòng, thường là 3-5 ở ngọn thân. Cuống lá kép dài 6-12 mm, mang 5 lá chét, lá chét ở chính giữa lớn hơn cả, dài 12-15 cm, rộng 3- 4 cm. Lá chét phiến hình bầu dục, mép khía răng cưa, chóp nhọn, lá có lông ở hai mặt. Cây 4 – 5 tuổi có hoa hình tán đơn, cuống tán hoa dài 10 -20 cm có thể kèm 1 – 4 tán phụ hay một hoa riêng lẻ ở phía dưới tán chính.

Mỗi tán có 60 – 100 hoa, cuống hoa ngắn 1-1.5 cm, lá dài 5, cánh hoa 5, màu vàng nhạt, nhị 5, bầu 1 ô với 1 vòi nhụy.

Quả nang màu đỏ thắm, có một chấm đen ở đỉnh, có 1 – 2 hạt hình thận, màu trắng ngà. Mọc hoang tại núi Ngọc Linh (vùng núi thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam).

Ở độ cao 1500 – 2000m, ở độ cao 1700m cây mọc dày hơn dưới tán rừng, dọc theo suối, chỗ đất có nhiều mùn, ở nơi thảm thực vật dày hơn nửa mét.

Cây ra hoa tháng 4 – 6, kết quả tháng 7 – 9.

Có thể nhân giống bằng hạt chín, già hay bằng thân – rễ.

Chọn những hạt mới thu hoạch, gieo vào bầu hay gieo trực tiếp lên luống.

Hoặc chọn những đoạn thân – rễ ngắn dưới đầu mầm, có 1 vết sẹo đem giâm trên bầu hoặc trực tiếp lên luống. Sau 4 – 5 năm có thể thu hoạch củ (thân – rễ).

Cây Nhân sâm Việt Nam là một nguồn tài nguyên thiên nhiên rất quý của nước ta nói chung và với ngành y dược nói riêng.

(Cây sâm và củ sâm Ngọc Linh trưởng thành tại vườn bảo tồn của Công ty Thái Hòa, Kon Tum)

Được biết một số nước lân cận ngang vĩ tuyến nước ta đã đầu tư khá nhiều công, của mà vẫn chưa thấy cây Nhân sâm như ta (thường Nhân sâm chỉ mọc vùng ôn đới phía Bắc địa cầu), Nhân sâm Việt Nam vốn là một cây thuốc quý, “bảo bối” của đồng bào dân tộc Xê Đăng, sống vùng núi cao trên dãy Trường Sơn, để chữa nhiều chứng bệnh và tăng cường sức khỏe.

Sâm Ngọc Linh được dược sĩ Đào Kim Long và đoàn điều tra dược liệu Ban dân y Quân khu 5 phát hiện vào ngày 19/03/1973 ở độ cao 1800m tại vùng xã Ngọc Lây, Đăk Tô, Kon Tum (nay là xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), trên núi Ngọc Linh.

Năm 1985, hai nhà thực vật Hà Thị Dụng (Việt Nam) và Grushvisky (Nga) đã xác định đây là một loại Panax mới và đặt tên cho nó như trên.

(Sâm trưởng thành tại vườn bảo tồn của Công ty Thái Hòa, Kon Tum)

Thu hái chế biến: Mùa đông sau khi lá rụng, để lại một vết sẹo ở đầu củ sâm. Chỉ nên thu hoạch củ của những cây sâm đã hơn 6 tuổi, tức là có ít nhất 4 vết sẹo (cây sâm Việt Nam chỉ có 1 lá duy nhất từ năm thứ 1 đến năm thứ 3). Từ năm thứ 4 trở đi mới có 2 – 3 lá. Rửa sạch rồi đồ (hấp) bằng hơi nước ở nhiệt độ 700C từ 60-70 phút (như chế biến Hồng Sâm), rồi sấy khô ở 600C đến khô (thường  độ 4-5 giờ).

Hiện nay do khai thác quá mức, trữ lượng Nhân sâm Việt Nam đã giảm sút mức báo động. Gần đây tỉnh Quảng Nam đang khôi phục lại Nhân sâm Việt Nam để có kế hoạch phát triển.

Thành phần hóa học: Theo Võ Duy Huấn, rễ củ Nhân sâm Việt Nam chứa tới 50 saponin, trong đó có nhiều hợp chất mới. (Sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin)

Ngoài những saponin chính mà Sâm Triều Tiên có thì Nhân Sâm Việt Nam có những saponin của những Nhân sâm khác như: Nhân sâm Hoa Kỳ, Nhân sâm Trung Quốc và Nhân sâm Nhật Bản. Trong lá Sâm Việt Nam đã phân lập được 13 saponin,…

Ngoài ra, Sâm Ngọc Linh cón có một nhóm hoạt chất là Majonosid R2 mà trong sâm Triều Tiên không có và là hàm lượng chính của cây Sâm Ngọc Linh (khoảng 5%), điều này dẫn đến sự khác nhau về tác dụng của Sâm Ngọc Linh và Sâm Triều Tiên. Những nghiên cứu trước đây cho thấy hoạt hất tinh khiết Majonosid R2 của cây Sâm Ngọc Linh có tác dụng rất tốt trên chống stress tâm lý, đây cũng là điểm ưu việt đặc biệt nữa của Sâm Ngọc Linh mà Sâm Triều Tiên không có.

(Giám đốc Công ty Thái Hòa – Kon Tum và cán bộ Viện Dược liệu thăm vườn ươm sâm của công ty)

Công dụng: Sâm Ngọc Linh có tác dụng bổ sung, tăng lực và sinh thích nghi, phục hồi sự suy giảm chứ năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường (hồi dương). Tác dụng chống lão hóa, kháng độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào, tăng các tế bào mới . Tác dụng kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng và chống lại một số bệnh ung thư. Ưu thê đặc biệt của Sâm Ngọc Linh là tính kháng khuẩn , tác dụng chống stress tâm lý, hiệp lực tốt với khangs sinh, với thuốc trị đái tháo đường; giảm suy nhược thần kinh, cải thiện khả năng sinh dục, cải thiện trí nhớ.

Cách dùng:

Ngâm rượu: 50g Sâm Ngọc Linh khô + 1000ml rượu. Một ngày dùng 2-3 lần; 1 lần 15 -30 ml.

Ngâm mật ong: 50g Sâm tươi ngâm với 100ml mật ong. Mỗi ngày dùng 2 thì cà phê (10ml).

Leave Comments

Scroll
02603 863234
0789411627